Câu hỏi:

Bạn đọc Thanh Quyên có câu hỏi cho blog:

Nhân viên chính thức trong công ty mình khi đi công tác tỉnh cần quyết định đi công tác của giám đốc để đầy đủ bộ hồ sơ tạm ứng công tác. Vậy đối với lao động thời vụ thì sao? Có cần quyết định đi công tác không?

Trả lời:

Đối với thuế GTGT: Chi phí công tác, nếu có hóa đơn GTGT với thông tin công ty trên đó sẽ được khấu trừ. Bạn chỉ cần chắc chắn rằng việc công tác phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trên 20 triệu thì có thanh toán qua ngân hàng là được.

Đối với thuế TNDN:
Theo Văn bản hợp nhất 26/VBHN-BTC

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.
Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
  • Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
  • Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
    Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

Tìm hiểu thêm về định nghĩa “người lao động” tại Bộ luật lao động 2012, ta thấy định nghĩa về “người lao động”, “hợp đồng lao động” như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Điều 15. Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1.Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Trong quy định thuế TNDN và bộ luật lao động không phân biệt khái niệm “người lao động chính thức” và “người lao động thời vụ”. Chỉ có phân biệt về hình thức của hợp đồng lao động là dài hạn hay dưới 3 tháng.

Như vậy, lao động thời vụ sẽ không có sự khác biệt về chứng từ và thủ tục với lao động chính thức.

Hi vọng câu trả lời sẽ hữu ích với bạn

You May Also Like